- Trang chủ
- Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh
- Quyển 1 – Chương 6: Hoa lan trắng
Tác giả: Chương Xuân Di
“Đối với những kẻ ngu muội,
Sách hay cũng chỉ là giấy lộn;
Ngọc ngà châu báu dẫu đẹp đẽ nhường nào,
Trâu đất cũng chẳng buồn ngó đến.”
(Cách ngôn Sakya)
- Kháp Na, Kháp Na ơi! – Trước mặt công tử Khởi Tất thì điềm đạm, chững chạc là thế, vậy mà vừa bước vào nhà trọ, Bát Tư Ba liền ôm tôi thật chặt, vừa lao đi như bay vừa gọi vang bằng tiếng Tạng. – Mau đến xem ta mang gì về cho đệ này.
Tìm khắp nơi vẫn không thấy ai. Giữa mùa đông giá buốt mà vầng trán nhẵn bóng của Bát Tư Ba lại lấm tấm mồ hôi.
- Kháp Na ơi, không chịu ra đây, ta sẽ không cho đệ chạm vào…
Bỗng từ phía sau cánh cửa, một chú bé loắt choắt chui ra, ngón tay kéo xệ mắt xuống, tạo thành hình thù quái dị, rất buồn cười rồi gầm gừ dọa nạt. Chú nhóc này không mặc áo nhà tu như Bát Tư Ba mà vận đồ dân thường, tóc dài ngang vai, đeo bông tai mã não, áo khoác lụa với những đường may cầu kỳ, thêu hoa văn rực rỡ càng tôn thêm đôi môi đỏ mọng và hàm răng trắng tinh của chú nhóc, đáng yêu vô chừng!
Bát Tư Ba phì cười, vỗ nhẹ đầu em trai:
- Trò này của đệ ta còn lạ gì nữa, không dọa nổi ta đâu, nhưng đừng làm tiểu hồ ly này sợ hãi, nếu không, đệ sẽ ân hận đấy.
Bát Tư Ba thận trọng mở rộng vòng tay, tôi khẽ thò đầu ra ngoài. Ánh nắng rực rỡ giữa ngày đông tràn qua khung cửa sổ, chiếu vào tôi. Chói quá nên tôi vội nhắm mắt, dụi đầu vào áo của Bát Tư Ba.
- Ôi, đáng yêu quá, lông và mắt nó màu xanh này, trên trán còn có cả vết bớt hình bông hoa nữa, đẹp ơi là đẹp! Đệ chưa bao giờ nhìn thấy con vật nào tuyệt vời thế này!
Chú nhóc reo lên sung sướng, chìa tay ra định đón tôi. Nhưng tôi cảnh giác, dựng đứng hai tai, nhe nanh dọa nạt.
- Đệ làm nó sợ rồi đấy.
Bát Tư Ba mỉm cười, nhẹ nhàng đặt tôi vào tay Kháp Na rồi dịu dàng căn dặn:
- Cẩn thận, chân nó đang bị thương đấy. Đệ ôm nó nhé, để ta đi lấy thuốc.
- Vâng.
Giọng nói lanh lảnh của Kháp Na rất giống giọng của Bát Tư Ba ba năm về trước. Chú nhóc bắt chước anh trai, thận trọng nâng tôi lên, trịnh trọng giới thiệu:
- Chào em, ta là Kháp Na Đa Cát, em cứ gọi ta là Kháp Na như anh trai ta cũng được. Hết năm nay là ta tròn chín tuổi.
Tôi sững sờ, đứa bé này trò chuyện với tôi như với con người vậy. Chú nhóc nhỏ xíu, gương mặt trẻ thơ non nớt, mũm mĩm. Đôi mắt trong veo, sáng long lanh như sao Khuê. Hai má cũng sạm nắng giống hệt anh trai, hẳn là họ đã rất vất vả trong chuyến đi vừa qua. Nhưng nước da của chú nhóc trắng trẻo, mịn màng hơn Bát Tư Ba rất nhiều. Và điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa hai anh em họ là, khi Kháp Na cười, xuất hiện hai má lúm đồng tiền rất sâu, nó khiến nụ cười của chú nhóc càng thêm rạng rỡ.
Khoảnh khắc tôi say sưa ngắm nhìn nụ cười thuần khiết như ban mai tỏa rạng trên gương mặt thiên thần của Kháp Na, trái tim vốn đã ngủ yên hơn hai trăm năm của tôi bỗng rạo rực, trong tôi bỗng dâng trào thứ cảm xúc mà người ta gọi là “xúc động”. Khi ấy, tôi chưa hiểu hết về tình cảm của con người nên không biết rằng, cậu bé mới lần đầu gặp đã chào hỏi tôi trịnh trọng như với con người ấy ngày sau sẽ đi vào trái tim tôi và vĩnh viễn ở lại nơi đó. Hơn bảy trăm năm đã trôi qua nhưng nụ cười của Kháp Na chưa bao giờ phai nhòa trong tâm trí tôi. Những đêm trường cô quạnh, khi gió bão trên dãy Côn Luân cứ rít gào mãi không thôi ngoài cửa sổ, chỉ cần nhớ đến nụ cười ấm áp của Kháp Na, tôi lại có thể bình yên gối đầu lên ký ức, để nụ cười êm ái ru mình vào giấc ngủ an lành.
- Đại ca, mình gọi nó là gì nhỉ?
- Ta cũng đang nghĩ xem nên đặt cho nó tên gì đây.
Bát Tư Ba nhìn tôi, mỉm cười hồn hậu, ngón tay âu yếm vuốt ve chiếc tai thuôn nhọn của tôi.
- Đôi mắt và bộ lông của nó đều màu xanh, loài vật quý hiếm này có lẽ chỉ có ở trên trời, chi bằng hãy đặt tên cho nó là Lam Kha Mai Đóa[1].
Gương mặt búp bê của Kháp Na bỗng trở nên nghiêm trang, “ông cụ non” lắc đầu cảm khái:
- Lam Kha Mai Đóa, hoa trên trời cao, đại ca quả không hổ danh là thần đồng, cái tên hay quá!
Lam Kha Mai Đóa trong tiếng Tạng có nghĩa là “hoa trên trời”. Kháp Na thường gọi tôi một cách thân mật là Tiểu Lam, còn Bát Tư Ba thì thích gọi tôi là Lam Kha hơn. Trước kia, khi tiếp xúc với con người, tôi biết rằng họ dùng tên để gọi. Giờ đây, sau ba trăm năm, tiểu hồ ly tôi cũng đã có tên gọi, điều này mang lại cho tôi niềm hoan hỉ không sao tả xiết.
Về sau, khi đã gắn bó với hai anh em họ đã lâu, khi hơi thở của con người đã bén vào mạch sống của tôi, tôi ngày càng thích tên gọi này. Và dù hơn bảy trăm năm mươi năm sau, mỗi khi nhẩm gọi Lam Kha Mai Đóa, bên tai tôi lại như văng vẳng giọng nói ấm áp của hai anh em họ, giật mình ngoảnh lại, dưới tàn lửa lung linh, tôi dõi mắt kiếm tìm, nhưng những dáng hình thân quen thuở trước chỉ trở về trong những giấc mơ đêm.
Hai anh em chụm đầu lại, để toàn bộ tâm trí vào việc chữa trị vết thương cho tôi. Một tay Kháp Na ôm lấy tôi, tay kia giữ chân sau bên trái bị thương của tôi, vẻ mặt căng thẳng:
- Tiểu Lam à, lát nữa sẽ đau lắm đấy, ráng chịu đựng nhé!
Bát Tư Ba nhấp một ngụm rượu, phun phì phì vào chân sau của tôi. Hai tiếng kêu thảm thiết bật lên cùng lúc, một của tôi, một của Kháp Na.
- Kháp Na, sao đệ lại kêu lên như thế?
Bát Tư Ba thở phào, chùi bàn tay đẫm mồ hôi vào áo, khẽ cốc đầu, lừ mắt với em trai.
Kháp Na cúi đầu, chiếc môi hình đài sen dẩu lên, phụng phịu:
- Đệ… đệ nghĩ rằng chắc là Tiểu Lam rất đau đớn.
Bát Tư Ba sững sờ, ánh mắt ngập tràn yêu thương, lắc đầu:
- Ôi, cái thằng nhóc này…
Tôi nhận thấy cậu bé mười hai tuổi ấy không trò chuyện với em trai với tư cách một người anh mà giống hệt một người cha. Bất luận Kháp Na có tinh nghịch chừng nào, bất luận Kháp Na có làm việc gì sai trái, Bát Tư Ba vẫn luôn ở bên, chở che, bao bọc em trai, giống như vị thần hộ mệnh của chú nhóc.
Sau khi băng bó cẩn thận, hai chú bé bắt đầu công cuộc rửa ráy cho tôi. Tôi cảm thấy mình như mắc cỡ, tuy họ còn rất nhỏ, nhưng dù sao cũng là giống đực, con người gọi là gì nhỉ? À, “đàn ông”. Tôi muốn bảo họ ra ngoài, nhưng lại e ngại lúc này mà mở miệng lên tiếng sẽ khiến họ khiếp sợ. Tôi định chạy trốn nhưng không sao thoát khỏi vòng tay siết chặt của Kháp Na. Và điều khiến tôi xấu hổ nhất là, hai anh em họ cùng xúm xít lại nghiên cứu xem tôi là giống đực hay giống cái. Họ cười rộ lên sau khi biết kết quả, còn “bà lão” ba trăm tuổi là tôi đây thì ngượng chín mặt, không biết giấu mặt vào đâu.
=== ====== ====== =========
[1] Nguyên tác là “Lam Già Mai Đóa” nhưng chúng tôi đã đổi thành Lam Kha Mai Đóa cho phù hợp với cách gọi tên của người Việt Nam. (DG)